Với việc giá gas vẫn tăng đều đều làm ảnh hưởng đến các khoản chi tiêu trong gia đình thì việc tiết kiệm gas khi đun nấu là một biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng bếp gas để tiết kiệm gas một cách hiệu quả.
Điều chỉnh độ cao của ngọn lửa
Ngọn lửa của bếp gas được chia làm ba phần: trên, giữa và dưới. Trong đó, phần giữa của ngọn lửa có nhiệt độ cao nhất, lý tưởng nhất. Đây cũng là phần tiếp xúc trực tiếp với nồi. Vì vậy, khi đun nấu thức ăn, vặn ngọn lửa vừa cháy vây quanh đáy nồi là đủ. Việc điều chỉnh ngọn lửa hợp lý này sẽ nâng cao hiệu suất đun nấu và tiết kiệm được một lượng gas cần thiết.
Ngoài ra, trong trường hợp phải dùng lửa to, bạn không nhất thiết phải mở hết cỡ nút điều chỉnh gas của bếp mà chỉ cần vặn nhẹ, chậm rãi cho đến khi ngọn lửa có màu xanh là vừa “đẹp”. Với việc điều chỉnh này, ngọn lửa sẽ cho một hiệu suất nhiệt cao nhất và tiết kiệm gas một cách tốt nhất.
Nắm vững thời gian vặn nút đánh lửa và điều chỉnh gas
Một thói quen thường gặp của người làm bếp là sau khi mở van an toàn (nằm ở cổ bình gas) xong thì tiến hành ngay việc đánh lửa bếp gas và “nổi lửa lên em”. Nên nhớ, số lần bật đánh lửa bếp gas càng nhiều, lượng gas hao hụt càng lớn. Bạn cần có một sự nhịp nhàng đồng thời giữa việc đánh lửa bếp gas với việc điều chỉnh lượng gas vừa đủ ngay sau đó.
Ngoài ra, bạn phải chuẩn bị đầy đủ các nguyên vật liệu, xoong, nồi, chảo,thực phẩm và rau củ , tẩm ướp gia vị… trước khi nổi lửa nhằm hạn chế việc lửa cháy mà chưa có cái gì đặt lên trên đó. Việc làm này cũng tiết giảm cho bạn một lượng gas cần thiết.
Điều chỉnh ngọn lửa hợp lý
Nấu mỗi món ăn cần một chế độ lửa hợp lý. Ví dụ, khi bạn xào thức ăn hay hấp bánh thì sử dụng lửa to; còn nấu canh, nướng bánh thì sử dụng ngọn lửa vừa phải hoặc kho tiêu, kho rim tôm, cá thì ngọn lửa thật nhỏ để gia vị vừa thấm vào thức ăn và vừa tiết kiệm gas. Ngoài ra, khi canh đã sôi thì điều chỉnh ngọn lửa vừa đủ để duy trì độ sôi của nước, bởi nếu tiếp tục duy trì lửa to thì nhiệt độ trong nồi cũng không tăng thêm.
Sử dụng lượng nước hợp lý khi đun nấu
Nếu bạn luộc mì hay nấu canh thì cần tính toán lượng vừa đủ để tránh tình trạng nước đã được đun sôi lại phải múc bớt ra hoặc khi đun nấu cần thiết lắm thì mới châm thêm nước vào. Với việc hấp chín các thức ăn như hấp cá, hấp thịt, hấp bánh thì bạn nên sử dụng lượng nước vừa đủ, không nên quá nhiều. Việc phải đun nóng một lượng nước quá nhiều sẽ tiêu tốn thêm một lượng gas của bạn.
Tận dụng tối đa nhiệt lượng từ gas
Nếu có thể, bạn nên sử dụng một vòng kim loại bọc quanh bếp ga và đặt cách nồi vừa đủ rộng (khoảng một cm) nhằm thu gom nhiệt lượng phụ trong quá trình đun nấu và qua đó tận dụng hiệu suất của nhiệt lượng. Bạn nên biết rằng vòng kim loại này có thể tiết kiệm cho bạn 5% lượng gas. Không chỉ vậy, việc tận dụng hiệu quả nhiệt lượng phụ này cũng giúp cho nhà bếp của bạn giảm bớt hơi nóng.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng và đun nấu sẽ có nhiều bụi bặm và thực phẩm, dầu mỡ bám vào làm tắc nghẽn các lỗ thoát gas. Hoặc đường ống dẫn gas sử dụng lâu ngày cũng dễ xảy ra hiện tượng rò rỉ. Bạn cần phải thường kiểm tra, lau chùi vệ sinh bếp gas, ống dẫn và các đầu bét chia lửa cũng là những biện pháp góp phần tiết kiệm gas. Không chỉ vậy, khi thấy hệ thống đánh lửa bắt đầu có hiện tượng chậm đánh lửa hoặc khi quan sát thấy các đầu bét chia lửa không đều (ngọn cao ngọn thấp, nơi có nơi không) thì nên thay thế cái mới.